Bài viết này chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn phương pháp Montessori, phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0-18 tuổi được rất nhiều trường học trong và ngoài nước áp dụng cũng như nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh.
Lịch sử hình thành của phương pháp Montessori
Phương pháp Montessori bắt đầu được phát triển vào năm 1897 bởi bác sĩ và cũng là nhà giáo dục Maria Montessori. Năm 1907, Bà mở lớp học đầu tiên của mình mang tên Casa dei Bambini, tại một khu căn hộ nằm ở thủ đô Roma. Ngay từ ban đầu, bà đã bắt đầu thực hiện phương pháp giáo dục của mình thông qua quan sát những trải nghiệm của trẻ đối với môi trường xung quanh, với các học cụ và bài học được thiết kế dành riêng cho trẻ. . Phương pháp Montessori sau đó đã được phát triển và mở rộng ra toàn nước Mỹ năm 1911 và được rất nhiều các bậc phụ huynh, trường học biết đến thông qua các phương tiện thông tin, thậm chí đã được xuất bản thành sách. Tuy nhiên do xuất hiện nhiều mâu thuẫn giữa Montessori và một số nhà giáo dục Mỹ khác, đặc biệt sau khi cuốn “The Montessori System Examined” do một nhà giáo dục học nổi tiếng William Heard Kilpatrick phát hành, đã hạn chế truyền bá tư tưởng của bà và sau năm 1914, phương pháp Montessori đã bị lu mờ đi. Tuy nhiên vào năm 1960,Nó đã thực sự trở lại, thâm nhập vào nước Mỹ v và được áp dụng tại hàng nghìn trường học ở quốc gia này.
Đặc điểm chung của phương pháp Montessori
Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập của trẻ trong việc hình thành nhân cách. Ngoài ra, phương pháp này rất chú trọng việc phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại. Một vài đặc trưng tiêu biểu của phương pháp Montessori :
- Lớp học ghép các lứa tuổi lại với nhau.
- Trẻ được quyền tự lựa chọn hoạt động, các hoạt động này đã được giáo viên sắp xếp trước.
- Trẻ không bị ngắt quãng hay làm phiền trong quá trình tham gia hoạt động
- Học sinh học hỏi khái niệm, kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế với các học cụ, mô hình mang tính chất khám phá, xây dựng, hơn là học theo chỉ dẫn trực tiếp từ phía giáo viên.
Ứng dụng cho từng lứa tuổi
1. Độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi
Các lớp dành cho độ tuổi này có tên gọi là Ngôi Nhà Trẻ Thơ , lớp học có sự pha trộn giữa các lứa tuổi. Số lượng thường từ 20-30 học sinh, được phụ trách bởi một giáo viên dày dạn kinh nghiệm và một trợ giảng. Bàn ghế trong lớp được thiết kế phù hợp với các hoạt động, có thể sử dụng cho từng cá nhân hoặc các hoạt động nhóm. Giá để học cụ cũng được thiết kế và sắp xếp hợp lí với tầm với của trẻ. Giáo viên sẽ giới thiệu mẫu hầu hết các hoạt động, sau đó trẻ tự do lựa chọn hoạt động mà chúng yêu thích. Các học cụ và hoạt động trong lớp học sẽ giúp trẻ thực hành được rất nhiều kỹ năng từ cơ bản cho đến phức tạp.
2. Độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi
Các lớp học có số lượng học sinh từ 30 học sinh hoặc hơn, được phụ trách bởi một giáo viên dày dạn kinh nghiệm và một hoặc nhiều trợ giảng. Cũng có sự pha trộn lứa tuổi ở bậc học này , tuy nhiên sẽ không có quá nhiều sự chênh lệch độ tuổi ( Thường gặp nhất là 6-9 tuổi và 9-12 tuổi). Học sinh sẽ được học và phân chia thành nhóm, sau đó là hoạt động độc lập theo khả năng và sở thích của bản thân. Quy mô hay chủ đề của bài học khá rộng. Học sinh ở giai đoạn này rất cần được giáo dục để nhận biết vai trò của con người trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau khi tác động vào thế giới xung quanh. Các học cụ và bài học trong giai đoạn này được thiết kế phục vụ cho các môn học như ngôn ngữ, toán học, lịch sử, các môn khoa học, mỹ thuật, vv… Ngoài ra, học sinh còn được tham gia khám phá môi trường sống xung quanh thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa, dã ngoại.
3. Độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi
Thực tế thì người sáng lập ra phương pháp Montessori không thiết kế chương trình đào tạo chi tiết cho các bậc học này. Tuy nhiên, một số trường học đã mở rộng chương trình của mình lên đến bậc trung học cơ sở và phổ thông trung học. Ngoài ra, một số tổ chức Montessori đã phát triển chương trình đào tạo giáo viên thông qua nhiều khóa học khác nhau.
Học sinh trong giai đoạn này nên được tiếp xúc thực tế và gần gũi thiên nhiên, đặc biệt là học sinh ở thành phố. Đây là tiêu chí và phương châm hàng đầu mà các phương pháp Montessori và các nhà giáo dục nhắm tới đối với chương trình học ở thời kỳ này.